Đại học Lê Quý Đôn - 236 Hoàng Quốc Việt - Hà Nội

Chia sẻ kiến thức mọi mặt của các lớp cao học CNTT, Học viện Kỹ thuật Quân sự




Chào mừng đã đến với forum khmt.123.st
  • Bạn chưa đăng kí (hoặc chưa đăng nhập) nên quyền lợi của bạn sẽ bị hạn chế. Việc đăng kí làm thành viên hoàn toàn miễn phí, sau khi đăngkí bạn có thể post bài, tham gia thảo luận , nhìn thấy link ở những box hạn chế ... và rất nhiều quyền lợi khác. Thủ tục đăng kí rất nhanh chóng và đơn giản, hãy Đăng kí làm thành viên !
  • Nếu bạn quên mật khẩu, xin nhấn vào đây !
  • Nếu bạn gặp trục trặc trong vấn đề đăng kí hoặc không thể đăng nhập, hãy liên hệ với chúng tôi.




  • Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

    Admin

    Admin
    Quản trị viên
    Quản trị viên
    KÝ ỨC TÌNH BẠN TRONG NGUYÊN TÁC CÂU CHUYỆN
    “EM, TÔI VÀ KỶ NIỆM TIẾC THƯƠNG LƯU QUANG VŨ”

    Câu chuyện của tôi xảy ra cách đây cũng đã 27 năm rồi. Hồi đó gia đình tôi có một căn nhà nhỏ ở đường Cu Ba thuộc Hòa Lạc, xã Bình Yên huyện Thạch Thất. Hòa Lạc hồi đó là một nơi vắng vẻ chứ không tấp nập như thị trấn bây giờ. Dọc con đường Cu Ba từ ngã ba Hòa Lạc về Sơn Tây, những ngôi nhà dân ven đường rất thưa thớt. Vì thưa dân, nên những gia đình ở đây rất đoàn kết và thương yêu nhau như ruột thịt. Ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau những công việc thường ngày, những niềm vui và nỗi buồn ở đây người dân cũng thường xuyên chia sẻ.

    Neo người là trạng thái chung của các hộ dân ở đây lúc đó, cũng như vậy mà thu nhập đầu người rất thấp chủ yếu trông chờ vào việc trồng cây và chăn nuôi một vài giống gia súc, gia cầm cơ bản như gà, vịt, chó, lợn... gia đình thường đổi công giúp đỡ lẫn nhau...

    Chính trong những hoàn cảnh như vậy, rất nhiều gia đình ở đây được sự giúp đỡ của các chú bộ đội đóng quân gần đó. Ở đây là những đơn vị như Trường Văn hoá Công binh, Trường Lục quân, Trường Quốc tế hay thường được gọi là Trường Lào, một ngôi trường đào tạo văn hoá cho các bạn Lào sang học tập.

    Nhà tôi đối diện với nhà chị Chung ở bên kia đường, anh chị Chung có 2 con nhỏ và đi làm nhà nước. Khu đất nhà chị trước đây là đất hoang, được xã Bình Yên cấp để đến ở nên cũng như gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới, thiếu thốn trăm bề. Vườn nhà chị Chung chừng 2 sào, trồng chủ yếu là mía và cây hoa quả. Đất mới nên rất khó chiều, nếu không lao động liên tục cỏ mọc tốt um luôn, nên ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cứ mỗi khi về nhà anh chị lại phải lao vào cải tạo khu vườn quanh nhà. Chị Chung có một người em kết nghĩa người Lào tên là In Kẹo Phon Phi Thăn. Hồi đó In Kẹo cao chừng 1 mét 66, khoảng 60 cân, da ngăm đen tuy nhiên cậu ta lại nói tiếng Việt rất rõ ràng và rành mạch. Tuy học ở Trường Lào, nhưng trong tuần, In Kẹo cùng một vài người bạn những lúc rỗi lại đến nhà chị Chung giúp đỡ mọi việc. In Kẹo là một người chăm chỉ và sống rất tình cảm. Đối với người Việt, thoạt nhìn lần đầu thấy rất gần gũi và đáng mến, cảm giác ấy khiến nhiều người liên tưởng người Lào với người Việt như anh em của mình vậy.

    Tôi không sống cùng In Kẹo trong thời gian cậu ấy ở Trường Lào, vì lúc đó tôi đã đi bộ đội xa, đúng hơn là lúc đó tôi đi học Trường Sỹ quan Chỉ huy Kỹ thuật Không quân ở Nha Trang. Là học sinh học xa nhà lần đầu nên đối với tôi cũng như bạn bè mình lúc đó cảm thấy nhiều hụt hẫng. Tình cảm gia đình xa cách nên ban đầu đi xa ai cũng có những nỗi nhớ cồn cào. Những lá thư quê hương dù sao cũng chỉ làm vơi đi phần nào nỗi nhớ da diết ấy.

    Thế rồi, In Kẹo sau khi học văn hoá ở trường Lào xong, tạm biệt Hòa Lạc quay vào Nha Trang nhập học chính vào ngôi trường mà tôi đang học. Em gái tôi biên thư bảo, In Kẹo đối với các gia đình ở quê mình thân thiết lắm, vào Nha Trang sau các anh, nếu có gì thì các anh giúp đỡ lẫn nhau nha.

    Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên sau buổi học. Tôi nhận được thật nhiều thứ từ quê hương gửi, cảm giác đầu tiên lúc tiếp xúc ấy là thấy In Kẹo thật hiền, cậu ấy kể về quê tôi mộc mạc, chân thành, say sưa lắm, tự dưng cảm thấy như người thân của tôi đi xa trở về vậy. Những câu lúc ấy ấn tượng nhất đối với tôi là cậu ấy luôn đệm vào sau “Cường có nhớ không?”

    Làm sao có thể quên được hình bóng quê nhà lúc đó. Vì hồi đó, những kỷ niệm ấu thơ của tôi cả một quãng thời gian dài luôn ám ảnh thôi thúc để bắt tôi phải luôn cố gắng khắc phục những khó khăn trở ngại. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân thật đơn giản vì ban đầu In Kẹo chính là cầu nối hiện tại và quá khứ của tôi, là nỗi nhớ của tôi.

    Tôi học ngành Thiết Bị Hàng Không để sau này làm thợ máy sân bay, còn In Kẹo học Dẫn đường Hàng không để sau này làm hoa tiêu. Tiểu đoàn tôi ở phía bên này của con đường tới lớp, còn đại đội của In Kẹo ở chếch phía bên kia của con đường cũng chỉ chừng 500 mét. Thế nhưng hàng ngày chúng tôi gặp nhau cũng không được nhiều lắm vì thời gian của học viên thường được lên thời gian biểu dày đặc “sít sìn sịt”, chính vậy mà chúng tôi chỉ gặp lẫn nhau được ngày nghỉ và giờ nghỉ thôi.

    Ngày ấy, phụ cấp của học viên Việt Nam chúng tôi rất thấp có thể nói là cực kỳ thấp. Cả tháng phụ cấp dành dụm chỉ đủ ăn một vài cốc chè ở quán ông Béo, góc ngã tư Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Thị Minh Khai. Các bạn Lào thì đỡ vất vả hơn vì có thêm tiền trợ cấp khi du học. Các bạn của In Kẹo như Kọn Kẹo, Phon Xay... và các bạn tôi thỉnh thoảng vẫn có những buổi liên hoan đoàn kết chỉ là trái cây, cà phê hay bia “Con Cọp” ngồi cùng nhau lai rai ở sân vận động nhà trường và bàn luận về đủ thứ. Chúng tôi trao đổi với nhau về đất nước, con người hai dân tộc, về tình nghĩa anh em thủy chung son sắt và uốn chỉnh phần phát âm tiếng Việt, những từ chuyên môn giải đáp những từ khó và đặc biệt là cách nói sao cho các cô gái ở Nha Trang phải mủi lòng.

    Lớp tôi có cậu Nguyễn Chí Tụ là người Phú Yên. Hồi đó Nha Trang thuộc về tỉnh Phú Khánh, (Phú Khánh chưa tách ra làm 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa như bây giờ) nên cô em gái Nguyễn Thị Dịu Hiền của Nguyễn Chí Tụ học ở trường Chuyên, lớp Văn của tỉnh, học ở Nha Trang. Chính vì vậy anh Phùng Quang Lợi lớp trưởng lớp tôi đã quyết định kết nghĩa với chuyên Văn mà chủ trì là cô bạn của Hiền tên là Tô Thắm.

    Tôi lại làm cầu nối giữa các bạn Lào với nhóm chuyên Văn của Tô Thắm. Với các bạn gái chuyên văn, ngôn ngữ Việt đối với In Kẹo, Phon Xay, Kọn Kẹo... sẽ sinh động hơn, đằm thắm hơn, ý nghĩa hơn.

    Chúng tôi góp tiền mua chung nhau 1 chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại. Vì học viên Việt Nam không được đi xe đạp, nên tôi thường xuyên ngồi phía sau. Một hôm In Kẹo bảo một cậu bạn Lào lấy xe đạp và cùng tôi đi phố, vì cậu bạn Lào chuẩn bị chuyển ra Bắc học. Cũng chỉ vì hồi ấy ti vi rất hiếm, rất ít nhà có ti vi như bây giờ nên có một sự kiện quan trọng đã đến. Đi đến một quán hàng ở một khu phố, thấy mọi người xúm lại rất đông, chúng tôi phải xuống dắt xe để đi qua chỗ đó. Có chuyện gì mà mọi người xúm vào xem vậy, ngoảnh ra thấy rất nhiều người mắt đỏ hoe? Tò mò tôi ngó vào xem, thì ra đó là một chiếc ti vi đang mở. Bản tin đã hết, nhưng cảm thấy rất nhiều người chết lặng không nói một câu nào. Cậu bạn Lào lo lắng hỏi:

    - Có chuyện gì thế?

    Trên ti vi chiếu một đoàn người dài dằng dặc cúi đầu lặng lẽ. Một thanh niên trọc đầu lớn tuổi quát thẳng chúng tôi:

    - Các ông trên trời rơi xuống hay sao mà không biết gì à?

    Cậu bạn Lào ngây thơ:

    - Bọn em chưa được đi nhảy dù.

    - Biến ngay ra chỗ khác - Gã thanh niên ban nãy lại lớn tiếng quát.

    - Nghĩa là thế nào? - Cậu bạn Lào vẫn khó hiểu.

    - Đi khỏi đây ngay!

    Tôi kéo vội cậu bạn chưa sõi tiếng Việt ra và sững người khi nghe tiếng ai đó thốt lên nghèn nghẹn trong cổ họng “Lưu Quang Vũ chết rồi!”

    Tôi hỏi lại không tin ở tai mình nữa:

    - Sao, có đúng như vậy không?

    Gã thanh niên trọc đầu nói như quát:

    - Mắt mù à, còn chết cả gia đình vợ và con nữa kia kìa... Sao mà số đen như chó thế hở trời!...

    Thế rồi gã ôm lấy mặt khóc khùng khục như trong lòng có điều gì uất lắm.

    Tôi ngồi phịch xuống đất. Hình như có cái gì đó chèn lấy cổ họng mình, có điều gì đó đắng nghẹn mà không nói được. Không thể mô tả được tâm trạng mình lúc ấy bởi mới hôm trước thôi, trên ti vi diễn một loạt các vở kịch “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Tin ở hoa hồng”, “Ông không phải là bố tôi”... của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, chúng tôi đã cùng nhau tranh luận thật nhiều để chọn ra câu đắt nhất trong từng vở kịch, từng hoàn cảnh... Thế mà...

    Gia đình nhà soạn kịch đã mất trong một tai nạn ô tô rất thương tâm và đầy nuối tiếc. Sống mũi cay, nước mắt tự dưng tuôn trào không điều khiển được. Những người dân Nha Trang lầm lũi tản đi, có lẽ cũng giống như tôi, họ mất đi một thứ gì đó mà chưa thể gọi tên ngay được.

    Tôi ngoảnh ra thì thấy lạc mất anh bạn Lào. Tôi bước lặng lẽ trên hè đường chống chếnh. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn hướng mọi người đến lý tưởng sống, một điều gì đó cao đẹp mà không vụ lợi... luôn xao lòng chúng tôi.

    Mãi sau này tôi mới được biết, anh bạn Lào tưởng có điều gì nghiêm trọng lắm nên đã tìm đường dắt xe đi ra. Nhưng khi đi khỏi đám đông thì gác ba ga xe đạp hình như có bàn tay ai đó hơi kéo lại. Cậu chàng sợ không dám ngoảnh lại cứ dắt xe, và để dùng dằng ra chỗ trống, không biết có ai đó vẫn giữ gác ba ga đi theo. Cậu ngồi lên xe thì thấy người đó cũng ngồi lên xe. Cậu đạp xe rất nhanh ra bờ biển. Người ngồi sau quàng tay vào cậu.

    - Thật không thể tin nổi! - Cậu bạn Lào ngạc nhiên, khi biết chắc người ngồi sau xe không phải là tôi, vì xe nhẹ hơn lúc trước.
    - Em cũng không thể tin nổi! - Giọng nữ ngồi sau xe đáp lại. - Em thương cô Xuân Quỳnh hơn... cô ấy khổ quá!

    Cậu bạn Lào dừng xe đạp, nhảy xuống.

    Ngồi trên xe của cậu là một thiếu nữ mặc bộ mini juyp đỏ. Cậu bạn miệng chữ a, mắt chữ o ngạc nhiên khôn tả.

    - Thôi chết, em nhầm xe!...

    Cậu bạn Lào lắp bắp:

    - Không chết, em không nhầm xe đâu!...

    Nhìn cử chỉ luống cuống, cô bạn không nhịn được, khẽ mỉm cười.

    - Ôi, em rất... xinh đẹp gái... quá!

    - Anh ở trên trời rơi xuống hay sao hở?

    - Không, anh chưa được nhảy dù. Anh mới sang Việt Nam nên không rõ, nếu có gì em đừng để bụng nhé!

    - Ủa, anh là người nước nào?

    - À, ừ, vâng... anh là bộ đội nước “Nào”!...

    Nhìn cậu bạn mặt đỏ lựng, cô bé cười:

    - Ừ... sao em lại vô tâm ngồi nhầm vào xe của anh thế nhỉ?...

    Có lẽ vốn từ tiếng Việt còn hạn chế nên cậu bạn chỉ nhìn và cười trừ...

    Có tiếng gọi:

    - Hương! Xe ông anh đây cơ mà!...

    Một chàng trai đạp xe đi tới, nhìn cậu bạn cười, quay sang cô bé:

    - Lần sau mà còn nhầm thế này là ở nhà đấy nhé! Tao không chở đi đâu...

    Hương giơ tay chào:

    - Thôi chào anh gì, à anh “mỳ tôm”, à anh bộ đội In Kẹo nhé!... Xin chào!

    Cậu bạn ngẩn người, chưa kịp định thần thì chiếc xe đạp kia đã vội đi mất.

    Sau đó, cậu bạn Lào chuyển ra Bắc học, tuy nhiên kể lại, cậu chỉ xuýt xoa vì vốn từ Việt ít quá, nên chẳng kịp làm quen với cô bé Hương xinh đẹp nữa...

    Chủ nhật một vài tuần sau có một đoàn kịch vào diễn ở Nha Trang vở “Lời thề thứ 9” nói về bộ đội Việt Nam với nhân dân của soạn giả Lưu Quang Vũ. Sau lần đó, In Kẹo được thông báo có một vị khách đặc biệt đến thăm và cậu thật bất ngờ đó là một cô bé người Việt xinh đẹp mà cậu chưa từng gặp mặt. Đó là Hương.

    Sau này, gặp lại Hương hỏi tại sao cô lại tìm được trường tôi, thì cô cho biết, chính chiếc xe đạp ghi dòng chữ nửa Lào nửa Việt “Nguyễn Cường, Không quân”, “In Kẹo, Không quân” khiến cô tò mò tìm đến trường tôi. Các bạn còn trêu đùa rằng, tại vì ghi “Nguyễn Cường, Không quân” ghi bằng tiếng Lào, còn “In Kẹo, Không quân” lại ghi bằng tiếng Việt nên... tôi không được cô bé Hương lưu nhớ. Cũng may mà Hương không biết tiếng Lào, nên tôi không bị rắc rối vì vụ đó. Lúc đó Hương mới 17 tuổi, vừa học xong lớp 11, trường PTTH Lý Tự Trọng, tuy nhiên cô rất xinh, trắng trẻo và rất duyên. Mặc dù không liên lạc được với anh bạn Lào, nhưng Hương và chúng tôi lại có những kỷ niệm về tình bạn rất đẹp và trong sáng.

    In Kẹo và các bạn Lào được cố vấn tiếng Việt nhiệt tình cả bộ phận chuyên Văn tài ba lúc đó và cả chúng tôi phụ vào, nên học tập khá tốt. Lúc rảnh rỗi có nhiều nội dung khác thì mới thấy các bạn Lào và Việt Nam rất gần gũi và tâm đầu ý hợp với nhau. Đội bóng học viên của chúng tôi cũng có các bạn Lào tham gia. Chúng tôi học tìm hiểu tại sao người Lào và người Thái Lan và người dân tộc Thái, dân tộc Lào ở Việt Nam nói chung 1 thứ tiếng. Hóa ra trước đây nước Lào và Thái Lan ngày xưa là 1 nước, sau này chiến tranh lấy sông Mê Công làm ranh giới để phân đôi, thời cuộc có nhiều ly tán sang Việt Nam... Chúng tôi còn được chữ Lào, mặc dù trông như mỳ tôm, nhưng cũng rất hay vì cách viết của chữ Lào lấy phụ âm chính làm trung tâm, các chữ khác viết xung quanh phụ âm chính... thậm chí nhiều người trong chúng tôi còn thuộc cả những bài hát bằng tiếng Lào nữa.

    Tôi còn nhớ một đoạn bài hát này, chúng tôi thường hát trêu các cô gái: “Xìa đai, thi ài đảy mà thi nắng... Đay phiềng hến nà, kẻo tà chảu ngàm cua pháy, ôi chau xủ nai, chảu xù thé no...” (Uổng quá, hóa ra anh là người đến chậm, không được làm kẻ chinh phục em... Ôi xinh đẹp làm sao!...)

    Đối với tiếng Việt, chúng tôi trao đổi rất nhiều với các bạn về ngôn ngữ. Đặc biệt là kỷ niệm với nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ luôn là một phần quan trọng trong lòng chúng tôi. Quan hệ giữa Hương và các bạn Lào cũng thân thiết hơn thế nữa.

    Rồi tôi ra trường trước, bởi vì tôi và học ở Nha Trang trước In Kẹo. Thời gian đó không có liên lạc bằng điện thoại như bây giờ, chúng tôi mất liên lạc với nhau, nhưng những kỷ niệm về nhau luôn là những hình ảnh tốt đẹp. Tôi về một đơn vị Không quân phục vụ những chuyến bay huấn luyện. Câu chuyện của các bạn được tôi sử dụng làm tư liệu để viết “Em, tôi và kỷ niệm tiếc thương Lưu Quang Vũ”.

    Bài thơ này tôi viết đăng trên [You must be registered and logged in to see this link.] để tưởng niệm đến ngày giỗ của nhà soạn kịch vĩ đại, một nhà soạn kịch mà các bạn tôi đến xích lại gần nhau hơn về lẽ sống, về tình bạn thủy chung và son sắt.

    Sao em mãi khóc thương Lưu Quang Vũ?
    Một mình anh tưởng nhớ ngỡ đủ rồi
    Đoạn sân khấu muôn năm chưa hề cũ
    Xót lòng trong nuối tiếc khôn nguôi...

    Đâu chỉ có mình chúng ta thôi
    Thơ Xuân Quỳnh với trái tim tự hát
    Ta mê mải trên trời cao xanh ngát
    Có nhớ ngày hè, sân bay cháy khô khan?...

    Những vần thơ tuổi trẻ lang thang
    Vẩn vơ nỗi buồn đi qua phố vắng
    Hồn nhiên như học trò áo trắng
    Nhói lòng ta những ký ức triền miên...

    Mình vẫn bên nhau, có phải không em?
    Như Xuân Quỳnh mãi bên Lưu Quang Vũ
    Khi xa nhau ở 2 đầu nỗi nhớ
    Một vần thơ sưởi ấm nỗi cách xa...

    Anh vẫn hành quân trên con đường xưa
    Dù đường ấy còn trơn, có người còn vấp ngã
    Nhưng với anh vần thơ Lưu Quang Vũ
    Cháy trong tim thắp lửa tự bao giờ...

    Ký ức bầu trời với những ước mơ
    Đong đầy trong trái tim trai trẻ
    Với em, anh cũng yêu như thế...
    Những chuyến bay
                        ... khao khát
                                            ... những chuyến bay...


    Một câu kết của một vở kịch của Lưu Quang Vũ mà chúng tôi chép lại: “Cả đời toàn nói chuyện to tát, khi về chỉ làm được mỗi cái tăm!...

    Còn các bạn chuyên Văn thì gửi cho tôi một đoạn của nhà văn Trúc Phương: “Ai đào bới trong thời gian để tìm lại tuổi của mình, ai ngửa tay trước thánh thần mà mong tìm hạnh phúc? Hạnh phúc bình thường như nụ trong hoa, như nấm ngọt trong đất, như mưa trong mây và như muối trong biển mặn, thế mà con người cứ đi tìm nó trong tận xa xôi. Đi tìm nó nơi không bao giờ có nó...

    https://khmt.123.st

    Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

    Permissions in this forum:
    Bạn không có quyền trả lời bài viết

     

    Ghi rõ nguồn khi copy các bài viết từ Website này.
    Bản quyền thuộc Khoa học Máy tính. Số lượt truy cập tính đến hiện tại:Website counter
    Modified skin by Nguyễn Anh Cường. Developed by Members of https://khmt.123.st

    Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất